Nỗi vui buồn khi Liên Xô sụp đổ

Liên Xô” là 2 từ viết tắt của nhóm từ “Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết”.


Lịch sử ghi nhận
: Liên bang Xô Viết được hình thành do những người theo chủ thuyết Bôn-xơ-vít  (Bolshevik) do Lenin cầm đầu, và đây cũng là những người đã lật đổ chế độ Sa Hoàng vào năm 1917. Đến năm 1922, các đồng chí Bolshevik đồng ý thành lập Liên bang với 7 thành viên bao gồm: Nga, Belarus, Ukraine, Armenia, Georgia, Moldova,và Azerbaijan. Đến năm 1940, liên bang này bằng biện pháp vũ lực, ép buộc thêm 3 nước ven vùng biển Ban-tích: Estonia, Latvia, và Lithuania trở thành thành viên của Liên bang Xô Viết. Vậy là Liên bang Xô Viết hình thành và tan rã cả thảy có 10 nước, Nga thủ vai thành viên chủ chốt.

 

1/ Liên Xô (LX) tan rã ngày tháng năm nào?

 

Từ khi LX sụp đổ sụp đổ đến nay đã 30 năm (1991-2021). Điều lạ là, 30 năm trôi qua, chưa năm nào thiên hạ bàn tán nhiều về ngày nầy như năm nay.   

 

 
 

 

Tôi có xem toàn bộ bộ phim nầy trên truyền hình, những tập đầu mang tính thông tin, ảnh và lời xác thực như những gì nó vốn có, nhưng những tập sau mang tính  tuyên truyền, đề cao sự khôn khéo, tài giỏi… của Đảng CSVN (Đảng). Nhờ sự khôn khéo, tài giỏi… ấy, Đảng mới vượt qua được nhiều cơn giông bão, tồn tại cho tới ngày nay. Cũng giống như truyên truyền về sự tài giỏi của lãnh đạo Việt Nam (VN) trong việc chỉ đạo phòng chống đại dịch COVID 19  khi nó vừa bén mảng đến VN.

 

Mặc dầu truyền thông VN không tham gia viết/nói về việc Liên Xô (LX) tan rã, nhưng qua theo dõi thấy thiên hạ có ý kiến nhiều về tan rã nầy xuất phát từ khi HTV9 (Đài truyền hình TP HCM) công chiếu liên tục từ 17 đến 26/12/2021 bộ phim tài liệu dài 10 tập mang tên “Mùa đông năm 1991” nói về việc LX tan rã –  một cơn địa chấn chính trị chấn động toàn cầu cuối  thế kỷ 20 (năm1991).

 

Gần như ai cũng xác quyết LX sụp đổ vào ngày 25/12/1991. Nếu đúng như vậy thì có sự trùng hợp ngẫu nhiên: Ngày Chúa giáng thế cũng là ngày LX tạ thế?!.

 

Chưa hằn thế đâu !… Bởi vì tư liệu về việc nầy do LX ghi nhận như sau:

 

— Ngày 8/12/1991, lãnh đạo 3 nước lớn chủ chốt trong  Liên bang là  Nga, Ukraine và Belarus gặp nhau tại Brest và tuyên bố Liên Xô không còn tồn tại như một thực thể chính trị và tuyên bố thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. (hiệp định Belovezh).

Ngày 9/12/1991, Gorbachev, Tổng thống LX tuyên bố: Tôn trọng sự lựa chọn của 3 nước Cộng hòa, nhưng Ông cho rằng sự tồn tại của LX không thể do chỉ 3 nước đó quyết định, cần có giải pháp hợp hiến” ( tức là phải thông qua cơ quan quyền lực tối cao – đó là “Xô-Viết tối cao”).

Ngày 21/12/1991, 7 nước Cộng hòa còn lại ủng hộ hiệp định Belovezh và cùng tuyên bố Liên Xô ngừng tồn tại để thay thế bằng Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

— Ngày 25/12/1991 , lúc 7 giờ tối, Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống LX,  đại ý là ông ủng hộ sự độc lập và bình đẳng của các quốc gia nhưng vẫn muốn duy trì nhà nước Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, các nước vẫn kiên quyết muốn chia tách  ra nên ông không biết nói gì hơn.

— Ngày 26/12/1991, Xô Viết Tối Cao họp khẩn và ra tuyên bố tự chấm dứt hoạt động của mình (từ nhiệm). Từ ngày nầy, cả về mặt đối nội và đối ngoại, Liên Xô chính thức không còn tồn tại như một quốc gia trên trường quốc tế.

 

Vậy là cuộc họp 3 nước ngày 8/12/1991 và Gorbachev từ chức ngày 25/12/1991 Liên Xô còn thở. Ngày 26/12/1991 Liên Xô mới tắt thở khi Xô-Viết Tối Cao tuyên bố chấm dứt hoạt động của mình. Vậy là LX tạ thế ngày 26/12 chớ đâu phải 25/12, ngày Chúa giáng thế – Chúa giáng thế trước 1 ngày rồi ngày sau LX mới tạ thế?. 

 

Không phải LX chết vì đột quỵ mà chết vì bịnh ung thư. Do giấu, ủ bịnh, khi nó bùng phát ở vào giai đoạn cuối, dù phải dùng biệt dược “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, nhưng cũng chỉ cầm cự được 18 ngày thì tử vong. (từ 8 đến 26/12/1991).   

 

2/  Xô Viết sụp đổ ảnh hường thế nào đối với thế giới?

 

Ở Châu Âu:

 

Xô Viết sụp đổ, các Đảng Cộng sản Đông Âu, dù không trong Liên bang Xô Viết, cũng sụp đổ theo. Ngoài dân chúng nói chung vui mừng, các nước Phương Tây thở phào nhẹ nhõm. Liên Xô rã, các thành viên Liên bang Xô Viết chỉ có hơi buồn vì mất quyền lãnh đạo khi về nước, nhưng mừng vì được “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà đã quen”, thoát được cảnh bất bình đẳng theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” trong Liên bang Xô Viết.

 

Liên Xô tan rã, khối Liên minh Quân sự Vác-sa-va cũng rã theo, khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây dương (Na-tô) của Phương Tây một mính một chợ. Khối Liên bang Xô Viết tan rã trở thành những nước nhỏ lẻ, Liên minh Tây Phương không còn đối thủ đối trọng. Từ đó kết thúc “chiến tranh lạnh”.

 

Ở Châu Á:

 

— Đảng Cộng sản Trung Quốc mừng thầm: Tuy không lộ vẻ, nhưng khi Liên Xô và các Đảng CS Châu Âu sụp đổ, Đảng CS TQ vui mừng ngất ngây, vì 3 lý do:

 

+ Từ lâu Đảng CSTQ đã cải biến chủ thuyết Mác-Lénin thành chủ thuyết Mao (Maoist) mang màu sắc Phong kiến với tệ sùng bái cá nhân. Họ đã và đang áp dụng chủ thuyết quái gỡ, đầy cay nghiệt nầy chẳng những trong nước TQ mà còn truyền bá dần sang một số nước khác.

 

+ Trung Quốc đã đi đêm với Mỹ suốt 19 năm qua (1972-1991). Họ đang “treo đầu dê bán thịt chó” về kinh tế, biểu hiện: Khi làm Tổng Bí thư Đảng CSTQ, Đặng Tiểu Bình nói bóng gió: “Không phân biệt mèo trắng hay mèo đen miễn bắt được chưột”.

 

+ Cũng từ lâu, Đảng CSTQ muốn thay Đảng CSLX làm anh cả đỏ lãnh đạo phong trào Cộng sản thế giới. Giờ đây Đảng CSLX sụp đỗ là cơ hội ngàn năm có một đối với Đảng CSTQ.

 

— Ngoài Đảng CSVN, từ lâu Đảng các nước ở Châu Á, dầu danh xưng khác nhau, nhưng họ cùng tôn thờ chủ thuyết Cộng sản. Giờ đây, họ dựa vào TQ, ngấm dần chủ thuyết Mao. Chuyện Liên Xô sụp đổ đối với họ chỉ là chuyện nhỏ.

 

— Riêng Đảng CSVN, không như các đảng khác, khi các Đảng Cộng sản Châu Âu bắt đầu dụp đổ, Đảng CSVN sợ LX sụp đổ sẽ mất chỗ dựa cuối cùng, cô độc… nên tỏ ra hốt hoảng, chạy tìm chỗ dựa chân không bén gót, vì 3 lý do:

 

+ Từ lâu, VN xem như “đu dây” giữa LX và TQ, khi thì nghiêng vế TQ, lúc thì ngã về LX. Hễ dựa bên nầy thì mất lòng bên kia. Bởi vì LX và TQ tuy “đồng sàng nhưng dị mộng”, tranh nhau giành làm “anh cả đỏ”. Khi đất nước VN thống nhứt, LX cũng như TQ cố kéo VN về phía mình. Riêng TQ muốn dùng đất nước VN làm bàn đạp thôn tính đất liền và biển đảo khu vực Đông Nam Á, một khát vọng mà họ ấp ủ từ lâu.

+Trung Quốc cay cú, oán ghét nhứt là VN cho LX thuê Quân cảng Cam Ranh, làm cản trở bước tiến của TQ  về phương Nam. Sử liệu VN cho LX thuê Quân cảng Cam Ranh được Bách khoa toàn thư mở (Wikkipedia) ghi nhận nguyên văn:

<< Sau khi hai miền Bắc Nam thống nhất thì cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa khối Liên Xô và Hoa Kỳ. Chính phủ Xô viết chính thức ký năm 1978 một thỏa thuận với Việt Nam để thuê hải cảng này trong thời gian 25 năm. Cuối năm 1991, Liên Xô tan vỡ; chính phủ Nga nhận kế thừa hợp đồng đó cho tới năm 1993. Một hiệp định mới cho phép Nga tiếp tục có mặt tại Cam Ranh nhưng chủ đích căn cứ này chuyển sang làm nơi thám thính, theo dõi hoạt động của Trung Quốc còn các chiến cụ và quân nhân được rút về Nga. Còn lại là nhân viên kỹ thuật tình báo.

Trong cuộc điều đình kéo dài thời hạn thuê quân cảng Cam Ranh thì Việt Nam đòi Nga phải trả tiền thuê hằng năm là 200 triệu Mỹ kim. Chính phủ Nga không chịu điều khoản này nên ngày 2 tháng 5 năm 2002, lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng tại căn cứ Cam Ranh. Hiện tại, chính quyền Việt Nam có dự định phát triển căn cứ này với mục đích dân sự, tương tự như chính phủ Philippines đã làm với Căn cứ không quân Clark của Mỹ >>.

+ Sự oán ghét ấy nhanh chóng tích tụ thành cơn bão lửa, TQ hậu thuẫn, trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh cho đám “Khmer đỏ”. Bọn nầy đã thực sự theo chủ thuyết Mao do Khiêu-sam-Phôn và Pôn-Pốt thay phiên nhau cầm đầu, tấn công trên toàn thuyến biên giới Tây Nam VN. Về phần mình, TQ xua 600 ngàn quân tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc VN, họ gọi là “Dạy cho VN một bài học”. Bài học gì? – đó là bài học dựa vào LX và cho LX thuê Quân cảng Cam Ranh. Thế là Trung-Việt trở thành kẻ thù của nhau –  VN  đã ghi rõ trong Hiến pháp 1982.

+ Lúc bấy giờ VN chỉ còn chỗ dựa duy nhứt đó là Liên Xô. Nếu LX sụp đổ thì Việt Nam khó sinh tồn, sớm muộn gì cũng cũng bị TQ ăn tươi nuốt sống không nhả xương.

*

Nói đến Gorbachev mà không nhắc đến ông Nguyễn Văn Linh là một thiếu sót. Trong quyển sách “Bên thắng cuộc” của tác giả Huy Đức có đoạn viết:

 

“Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh quyết định sẽ dẫn một đoàn đại biểu VN sang Đức, trước là dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức, sau đó Ông sẽ bàn với các đồng chí lãnh đạo các Đảng CS Liên Xô ‘Triệu tập một cuộc Hội nghị gồm các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản thế giới, chống chủ nghĩa cơ hội’. Nguyễn văn Linh không ưa Gorbachev, ông nhận xét: ‘Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này’ ;

 

“Ngày 4/10/1989, ông Linh và đoàn tuỳ tùng bay từ Hà Nội sang Đông Đức, với hãng hàng không Interflug. Hãng này chỉ dành cho ông Linh hạng ghế thương gia, còn các thành viên khác trong đoàn tuỳ tùng thì ngồi ghế hạng phổ thông. Một thái độ xem thường đoàn VN quá rõ ràng. Khi đến Đức, sau nhiều lần bị cho “leo cây”, cuối cùng thì Gorbachev cũng cho phép ông Linh một lần diện kiến. Đọc đoạn Gorbachev gặp ông Linh dưới đây, chúng ta sẽ thấy chua chát cho phía VN.  Vì như ông Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm nhận xét: ‘Nhận thức của một số đồng chí trong Bộ Chính trị VN lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình hình thế giới’  

 

“Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10 giờ 30 sáng 8/10/1989, nhưng chờ mãi đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông Gorbachev gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: ‘Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, hớp một ngụm nước mới nuốt được’ ;

 

“Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2giớ30 rồi 5giờ30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe Xã hội Chủ nghĩa, ông được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp Tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: ‘Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh’’ ;

 

Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: ‘Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em, trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng Cộng sản và phong trào Công nhân quốc tế’. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười nói: ‘Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!’. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: ‘Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước’ ;

 

“Cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990 -1995 của Việt Nam thì Gorbachev xoa tay – không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong ‘tình hữu nghị thắm thiết’.” 

(Nguồn FB Nguyen Tuan – Giáo sư Nguyễn văn Tuấn).

3/ Không dựa được LX về chính trị và kinh tế, Việt Nam phải làm gì?

 Không còn cách nào khác, Việt Nam đành phải quên hết những oán hận đối với Trung Quốc trong 2 cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc,  tìm mọi cách “hữu hảo” lại với Trung Quốc – cho dù 2 cuộc chiến nầy số thương vong phía VN trong ngang bằng số thương vong 20 năm chống Mỹ trước đó ! .

 

Nguyễn Văn Linh sinh 15/7/1915, từ trần 27/4/1998.

Tổng Bí thư Đảng CSVN từ 12/1986 đến 6/1991

Dù  ở thế yếu, VN  vẫn phải chấp nhận thương thuyết với TQ tại cuộc mật nghị ở Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), đoàn VN do ông Linh dẫn đầu. Vì là mật nghị cấp tối cao giữa 2 nước nên nội dung không được tiết lộ. Tính đến nay tròn 31 năm (1990-2021), lãnh đạo 2 nước thường nhắc nhở nhau với 2 từ nói lóng vì “Đại cục” gì đó đố trời mà biết !. Chẳng những thế, hoà thuận, hoà hợp, hoà giải … gì đó không nói mà nói là “hoà hiếu” nghe rất chướng tai ?!.

 

Khi ngồi vào ghế Tổng Bí thư Đảng CSVN (12/1986), ông Linh cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trường Phạm Hùng phát động phong trào “chống tiêu cực” trong Đảng bằng 3 mủi giáp công: Hàng ngày ông Linh viết 1 bài “Những việc cần làm ngay” ký tắt NVL đăng trên nhựt báo Sài Gòn – xem như chỉ điểm / “Đổi mới” báo chí – bật đèn cho báo chí xung trận chống tiêu cực/ Ra lịnh cho các địa phương thành lập càng sớm càng tốt “Hội những ngưới kháng chiến cũ”  kết tập những người ít nhiều có tham gia kháng chiến, có máu mặt  vào Hội nầy chống tiêu cực. Chỉ trong thời gian ngắn, 3 mũi nầy kết hợp tấn công phải nói là ngoạn mục, bọn tiêu cực chạy như chuột gặp phải lửa. Hai năm sau (1988), hội nghị sơ kết, các tờ báo Sài Gòn, Tuổi Trẻ, Ấp  Bắc Tiền Giang và tập chí Sông Hương được vinh danh vì luôn dẫn đầu trên mặt trận chống tiêu cực.

 

Thế mà, sau mật nghị Thành Đô (1990), khi về nước, ông Linh lộ vẻ mệt mõi, lo âu. Có lẽ do tuổi cao, sức yếu và vì sợ mất Đảng, ông huỷ bỏ chủ trương “chống tiêu cực” trong Đảng mặc dầu trước đây mình chủ trương, bằng cách:

 

– Ông Linh không viết “Những việc cần làm ngay” nữa – Ông không “làm ngay” nữa mà “làm ngơ”.  

 

– Không biết ông Linh chỉ đạo thế nào mà các địa phương lịnh cho báo chí ngừng tấn công, kiểm điểm rút kinh nghiệm. Không biết “kiểm, rút” thế nào mà thấy Tổng biên tập 4 tờ vừa được vinh danh bị cách chức: ông Tô Hoà, Tổng biên tập báo Sài Gòn /  bà Vũ Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi trẻ  / ông Trần Bửu và Kim Tinh, Tổng và phó Tổng biên tập báo Ấp Bắc Tiền Giang / Chủ bút Tập chí Sông Hương coi như bị cách chức vì tập chí nầy bị đình bản. 

 

– Giải tán tất cả các “Hội cựu kháng chiến” ở các địa phương, chỉ chừa lại “Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ” TP Hồ Chí Minh, nhưng cách chức 2 ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Chủ nhiệm và phó Chủ nhiệm, thay vào đó bằng 2 ông Phan văn Đáng (Hai Văn) và Huỳnh Thanh Mua (Hai Chiến). Riêng ở tỉnh Tiền Giang có 57 cán bộ  trung và cao cấp Đảng bị kỷ luật vì tội ký đơn xin lập “Hi cựu kháng chiến”, trong đó có  5 người bị thu hồi thẻ đảng cho đến chết (coi như bị khai trừ).

 

Dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể, nhưng đâu từ trên dội xuống câu cảnh báo “Địch đang chuyển lửa về quê nhà”.

 

Phía chống tiêu cực xuống thang, phía tiêu cực lợi d…, leo thang, trả thù mệt không nghỉ.

 

Không biết có phải do sai lầm trong ký kết mật nghị Thành Đô hay không, ông Linh làm Tổng Bí thư chỉ 1 nhiệm kỳ 5 năm, đến Đại hội VII (6/1991) Ban chấp hành Trung ương Đảng cử ông Đỗ Mười lên thay, ông Linh được xếp vào nhóm  “Hội đồng Cố vấn”.

 

 Sau 23 năm “chiếu chăn” với TQ, Mỹ thấy dã tâm của lãnh đạo nước nầy. Để  kéo VN về phía mình chống lại sự ngang bướng ngày càng rõ của TQ, năm 1995, Mỹ  có nhã ý xoá cấm vận kinh tế, thiết lập ngoại giao với VN. Trước cảnh Chính tri, Kinh tế, xã hội Việt nam căng thẳng như dây đờn, chẳng khác người đuối nước vớ được phao, VN chấp nhận ngay. Khi có thế đứng, VN  chẳng những  được kết nạp vào Liên hiệp quốc mà còn được gia nhập vào tổ chức Thương mại thế giới (WTO) … 

 

Sau mật nghị Thành Đô, TQ “được đàng chân lân đàng đầu” đối với VN, một số vị lãnh đạo cấp cao VN phàn nàn về cuộc mật nghị Thành Đô quái quỷ nầy. Ông Linh xoa dịu: “Tôi biết chớ !… ‘Đi với Trung Quốc còn Đảng nhưng mất nước, đi với Mỹ còn nước nhưng mất Đảng”. ÔngLinh lý giải: “Còn Đảng thì còn tất cả, mất Đảng là mất tất cả. Nếu đi với Mỹ, TQ không để yên cho VN đâu?!”.

 

Để tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” chẳng những khó xử, còn gây bất hoà trong nội bộ, Đại hội lần thứ XIII quyết nghị giải tán “Hội đồng Cố vấn”.

 

Thế là  từ năm 1995 cho đến nay (26 năm), VN chuyên nghề “đu dây” giữa Mỹ và TQ. Giờ đây, VN cần xét lại việc “đu dây” nầy. Bởi vì quan hệ Mỹ-Trung hiện nay đang trong trạng thái “chiến tranh lạnh”, họ bắt đầu đoạn giao với nhau. Đã đến lúc VN cần tiếp cận phía mà mình cho rằng có lợi nhứt khi có sự cố.

 
Mỹ-Trung bắt đầu cắt bang giao – Ảnh minh hoạ

 

Thay lời kết

 

Lực lượng thứ 3 là lực lượng đứng giữa 2 thế lực đang kình chống nhau. Dẫn dụ: Khi 2 phe Cộng sản vả Tư bản chạy đua vũ trang, kình chống nhau trong cuộc “chiến tranh lạnh” thì xuất hiện các nước “không liên kết”– tức là không đứng về phía nào. Thời chiến tranh ở Nam VN,  Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Việt Nam Cộng hoà là 2 thế lực đối đầu thì xuất hiện lực lượng thứ 3 (đứng giữa), khiến cho 2 Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Nguyễn văn Thiệu đều bực tức nói: “Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”.

 

Lực lượng thứ 3 chỉ là cái bóng của 2 lực lương đang đối đầu, chỉ cần mất một bên là nó tiêu vong (nó không còn là nó).

 

Quốc gia “đu dây” là không độc lập, không độc lập thì làm gì được tự chủ?, còn tệ và nguy hiểm hơn các nước “không liên kết”. Chỉ có cơ hội, xu thời mới đu dây. Đu dây có thân phận như dây “chùm gởi”, đu đeo giữa 2 thế lực kình địch, chỉ cần mất một bên là hết “đu”, không khéo té dập mật hoặc một bên nào đó cắt dây thì sẽ va vào bên còn lại, nếu không chết cũng bị thương, bị bắt sống như tội phạm chớ chẳng chơi đâu -/-

Theo:Thiện Tùng -https://danquyenvn.blogspot.com/2022/01/noi-vui-buon-khi-lien-xo-sup-o.html

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *