Thế hệ dâu tây

Khái niệm “Thế hệ dâu tây” được xuất hiện phổ biến tại Đài Loan nhằm vào thế hệ sinh ra trong những năm 1981-1991. Thế hệ này được mang tên “dâu tây” bởi hai lý do: thứ nhất thế hệ trẻ này được lớn lên trong một môi trường tốt hơn, giống như những trái dâu tây được chăm sóc cẩn thận trong nhà kính, thứ hai là họ giống trái dâu tây ở đặc điểm đẹp hơn, đắt giá hơn nhưng đồng thời dễ bầm dập, không chịu được khó khăn và thất bại bởi họ trưởng thành trong một điều kiện được chăm sóc kỹ lưỡng và gần như có mọi thứ họ yêu cầu.

Thế hệ này có những điểm yếu đáng kể. Bên cạnh khả năng kém chịu áp lực còn các điểm yếu khác bao gồm: kém kiểm soát tài chính, không có kế hoạch tốt cho tương lai và có cái nhìn phi thực tế về việc làm. Tuy rằng không phải tất cả mọi thành viên trong thế hệ này đều có những đặc trưng đó nhưng rõ ràng là những điểm yếu đó khá phổ biển trong thế hệ dâu tây.

Yếu kém nhất của thế hệ này là khả năng chịu áp lực đúng theo nghĩa của từ “dâu tây”. Theo thống kê của Ủy ban Thanh niên Quốc gia của Đài Loan, tỷ lệ tự vẫn trong độ tuổi 20-24 đã tăng từ 6,17 trên 100.000 dân trong năm 1994 lên 8,49 trong năm 2003. Điều đó chứng tỏ rằng thế hệ dâu tây không dám đối mặt với những áp lực và khi không có khả năng giải quyết sức ép, họ có xu thế chọn cách chấm dứt cuộc sống của chính mình.

Điểm yếu thứ hai của thế hệ này là khả năng kiểm soát tài chính. Theo một điều tra của ACNielsen trong năm 2004 thì thế hệ này đang chi tiêu nhiều hơn. Điều đó cho thấy họ không để dành được cho tương lai và tạo một vấn đề xã hội cho dài hạn khi thế hệ này có tuổi.

Điểm yếu thứ ba là thiếu kế hoạch cho tương lai. Trong điều tra về mong muốn của thế hệ trẻ Đài Loan, khi được được hỏi “giấc mơ lớn nhất trong cuộc sống của bạn là gì?”, khoảng 50% bạn trẻ thế hệ này đã chọn câu trả lời “sống thoải mái, tự do và không bị kiềm chế”. Kết quả nghiên cứu cho thấy họ chỉ quan tâm đến hạnh phúc và tự do của cá nhân mà quên mất lên kế hoạch cho tương lai. Một điểm khác nữa là thế hệ dâu tây thỏa mãn với cuộc sống ngồi ở nhà và phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ. Có nghĩa là, họ đang trở thành gánh nặng cho gia đình bởi họ không có kế hoạch của riêng mình bên ngoài xã hội.

Điểm yếu cuối cùng nhưng cũng là nghiêm trọng nhất của thế hệ này là thiếu cái nhìn thực tế về nghề nghiệp. Một mặt, do có nhiều đại học hơn nên thế hệ trẻ được đào tạo tốt hơn thế hệ trước đó. Mặt khác sự phát triển kinh tế đã đạt đến ngưỡng và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, từ đó tạo sự chênh lệnh giữa mong muốn về việc làm và thị thường lao động trong tư tưởng của thế hệ dâu tây. Họ không muốn nhận công việc có lương thấp không tương xứng với trình độ học vấn. Hơn nữa, nếu học chấp nhận công việc đó, họ trở nên quá tự tin và không hợp tác với người khác bởi suy nghĩ họ có khả năng cao hơn với trình độ học vấn cao. Với vấn đề trên, nhu cầu nhân lực của Đài Loan sẽ gặp vấn đề khi thế hệ dâu tây vẫn giữ cách đánh giá thiếu thực tế về thị trường lao động.

Lý do đằng sau việc hình thành thế hệ dâu tây là những thay đổi về môi trường xã hội và kinh tế của Đài Loan. Trong một vài thập niên gần đây, cấu trúc gia đình đã chuyển từ gia đình truyền thống nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân với số trẻ em trong gia đình giảm nhanh. Bởi ít con hơn nên bố mẹ có xu thế quản chặt đứa trẻ và tự vẽ nên những việc đứa trẻ cần làm từ khi chúng còn bé. Từ đó đã tạo nên một thế hệ kém chịu áp lực và không biết hoạch định tương lai. Đồng thời sự chậm lại của phát triển kinh tế cũng do những yếu kém của thế hệ dâu tây. Thế hệ này đã lớn lên trong thời gian tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và chúng không có kinh nghiệm gì về sự gian khổ của nghèo đói và từ đó chúng thiếu kỹ năng về quản lý tài chính.

Vấn đề về những yếu kém của thế hệ dâu tây không những là vấn đề của bản thân họ và gia đình mà còn là vấn đề chung của xã hội và ảnh hưởng trực tiếp lên sự phát triển kinh tế và xã hội. Vì vậy nhất thiết phải đề cập đến vấn đề này để từng bước giải quyết để giảm dần những điểm yếu tạo cho thế hệ dâu tây trở nên những cá nhân tốt hơn và từ đó giải quyết vấn đề của toàn xã hội.

                                                                                                   Nguồn :Blog Minh Biện (2014)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *