Triết học Kant: Từ khai sáng nhân loại đến đạo đức của người Việt

Ngại nghiên cứu và tìm hiểu triết đã khiến đa phần chúng ta không được khai sáng đi cùng nhân loại mà cứ loay hoay mãi không thoát khỏi những ứng xử của tuổi vị thành niên để là người trưởng thành. Với những lý giải thế giới quan của triết học Kant về lý tính – cơ sở lý luận cho đạo đức của xã hội loài người – ai đã soi vào cũng đều im lặng nhận ra và tự sửa mình.

Ngày 16/12/2016 tại Vusta 53 Nguyễn Du đã diễn ra Hội thảo “Triết học Kant – Khai sáng và đạo đức” liên quan tới góc nhìn của nhà triết học Đức về tinh thần phê phán và tinh thần đạo đức của con người.

Trao đổi qua ba cuốn sách “Phê phán lý tính thực hành”, “Phê phán năng lực phán đoán” và “Phê phán lý tính thuần túy”, tham luận trong hội thảo đã lý giải thế giới quan của Kant về lý tính – cơ sở lý luận cho đạo đức trong xã hội loài người. Đồng thời, những thói quen trong đạo đức người Việt nhìn từ góc độ triết học Kant cũng được diễn giả cùng những người tham gia hội thảo trao đổi và đánh giá.

Không thoát khỏi tuổi vị thành niên

Theo Kant, Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính lỗi con người gây ra. Vị thành niên là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do lỗi tự mình gây ra, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác.

Lười biếng và hèn nhát chính là nguyên nhân của tình trạng vị thành niên. Vì lười biếng nên dù đã nhận được tha bổng khỏi sự chỉ đạo ngoại lai của thiên nhiên, phần lớn nhân loại vẫn thích lưu lại trong tình trạng vị thành niên, sự lười biếng cũng là nguyên nhân một số người dễ dàng tự phủ phục giao phó cho người đỡ đầu. Phần lớn nhân loại đều cho rằng, bước tiến đến trưởng thành là một giai đoạn rất khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên, họ cũng mặc định rằng, điều ấy những người đỡ đầu kia đã lo chu tất, những người đã hết lòng nhận lãnh cho mình trách nhiệm giám thị tối cao trên những kẻ vị thành niên.

Sau khi họ đã làm cho đàn gia súc của họ trước hết ngu đần đi và chăn giữ một cách cẩn thận không cho những sinh vật yên lặng này được phép dám mạo hiểm một bước ra khỏi chiếc xe kéo, trong đó, họ giam những sinh vật ấy và chỉ ra sự hiểm nguy đang đe dọa nếu những người này tìm cách đi một mình. Thực ra thì chính sự nguy hiểm này cũng không hề to tát, bởi lẽ những kẻ ấy rốt cục cũng sẽ học đi được qua một vài lần té ngã. Tuy nhiên chỉ một ví dụ theo cách ấy cũng có thể làm rụt rè, nhũn lòng, và thường làm nhát sợ xa lánh tất cả những bước thăm dò khác.

Việc gắng sức vươn lên thoát khỏi vị thành niên đã trở thành một bản tính tự nhiên của con người, chính vì thế, họ tỏ ra thất vọng nếu không thể sử dụng trí tuệ để phục vụ cho mình. Tuy nhiên, những nội quy và những điều lệ, loại dụng cụ máy móc tiện lợi hay sự lạm dụng năng khiếu tự nhiên đều xích chân tình trạng vị thành niên dai dẳng vĩnh viễn. Kẻ nào vứt nó đi, kẻ ấy cũng chỉ làm một bước nhảy không chắc chắn qua cái hố nhỏ hẹp, bởi vì họ đã quá quen với những gông cùm kìm kẹp, việc thay đổi tiến đến tự do khiến họ trở nên lo lắng. Chính vì thế, chỉ có một số ít thành công trong việc tự giải tỏa mình ra khỏi tình trạng vị thành niên qua sự thao luyện tinh thần và tạo ra một bước đi vững chãi.

Bàn về tự do trong công cuộc khai sáng của con người, triết gia người Đức cho rằng: “việc tự mình khai sáng cho mình hoàn toàn có thể xảy ra nếu con người nhận được tự do. Theo ông, nếu có tự do, con người luôn luôn tìm được một vài nhà tư tưởng độc lập, ngay cả trong nhóm những người đỡ đầu có nhiệm vụ canh chừng đống gia súc lớn kia, những người sau khi đã vứt bỏ cái gông vị thành niên, sẽ quảng bá quanh mình tinh thần biết đánh giá hợp lý về giá trị thực và thiên chức của mỗi con người nằm ở tư duy tự lập. Nếu một vài kẻ trong những người đứng đầu không chịu khai sáng, những người chịu gông cùm chắc chắn sẽ hành xử y hệt họ, bắt những kẻ từng chăn dắt mình ở lại trong chính chiếc gông mà họ gây ra trong trường hợp công chúng đã bị khiêu khích và bắt buộc phải hành động như thế. Do vậy, quần chúng chỉ có thể từ từ đạt đến khai sáng mà thôi. Khai sáng bằng một cuộc cách mạng chỉ đem đến sự truất phế một chế độ chuyên chế độc tài và sự đàn áp đầy tham muốn hưởng lợi, cai trị người khác của cá nhân độc tài, nhưng không bao giờ đem đến một sự sửa đổi chân chính thật sự cho cách thể tư duy cả ; ngược lại, những định kiến mới sẽ được sử dụng giống hệt những cái cũ dùng làm dây dẫn đường cho đống người to lớn vô đầu óc kia. Chính vì vậy, dành cho sự khai sáng này không đòi hỏi gì hơn ngoài tự do và là tự do vô hại nhất trong tất cả những gì có thể gọi là tự do, bao gồm cả tự do tư duy, tự do học thuật và tự do phát biểu ý kiến“.

Bỏ quên triết học nên khó “Khai sáng”

Theo các chuyên gia, đạo đức của người Việt được hình thành trên cơ sở thường nghiệm. Lý giải cho điều này, diễn giả buổi hội thảo cho rằng, người Việt không có truyền thống lý luận, càng không có truyền thống tự do học thuật – cơ sở để phát triển lý luận. Chính vì vậy, đứng trước nghịch lý (tự do và nhân quả), thì tư duy kiểu bất lực và thỏa hiệp, dẫn đến thiên hướng nghiêng về phía cái Đang (Nhân quả) rất rõ ràng và hầu như không có hoạt động suy tưởng về cái Phải là (Tự do).


Bộ sách của triết gia I. Kant đã được dịch sang tiếng Việt

.

Ở khía cạnh tích cực, sự bất tất phản ánh qua khả năng thich nghi của người Việt.Ở mặt tiêu cực, sự bất tất phản ánh qua thói vô kỷ luật, tùy tiện, thiếu kế hoạch cụ thể trong công việc. Nhìn từ hoạt động giao thông là có thể nhìn thấy tính bất tất của người Việt. Trong ca dao, tục ngữ cũng không khó khăn để tìm kiếm những lời khuyên răn mang đậm tính bất tất, kiểu như: “khéo xới thì no, khéo co thì ấm”, “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “Ở bầu thì dài, ở ấu thì tròn”.

Sự thường nghiệm dẫn đến tính thực dụng theo kiểu vụ lợi càng dễ dàng để lấy dẫn chứng. Không thể nói người Việt không có khái niệm về 3 ý niệm siêu nghiệm (tự do, linh hồn bất tử, thượng đế) như là những cứu cánh của sinh hoạt luận lý, nhưng vì thiếu lý luận nên nó được hiểu và vận dụng theo những cách rất thường nghiệm và thực dụng như: Tư tưởng dĩ thực vi thiên cúng xôi gà cho ông bà tổ tiên (Linh hồn bất tử) mê tín, dúi tiền vào tay tượng Phật (Thượng đế). Những lời khuyên răn về đạo đức phổ biến nhất cũng đậm chất thực dụng: “Ở hiền gặp lành”, “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Về bản chất, diễn giả Trần Đăng Dương đánh giá: “thượng tầng” cũng bất tất và thực dụng . Tuy nhiên do tương tác với “hạ tầng” nên phải hình thành sự tổng hợp các nguyên lý, vì bản thân các nguyên lý không vượt qua nổi thách thức của “viên đá thử kinh nghiệm” nên buộc phải giáo điều, tức là gò ép cứng nhắc, không cho thảo luận, không cho đặt giả thiết. Biểu hiện lớn nhất của sự giáo điều là gắn kết quan niệm về đạo đức với người đứng đầu và sự đòi hỏi một biểu tượng có tính cá nhân như là một chỗ dựa cho mọi lý luận.

Nhưng phải luôn ghi nhớ, về bản chất “thượng tầng” cũng bất tất và thực dụng.Những nguyên lý giáo điều chỉ là cái vỏ được tạo dựng cho phù hợp với danh nghĩa “thượng tầng” bởi vậy, nó trống rỗng”.

Nếu nhìn từ quan điểm đạo đức học của Kant, thì đạo đức Việt phạm vào 2 điều nghiêm trọng nhất xây dựng trên nhận thức thường nghiệm và lấy kết quả làm căn cứ cho hành động đạo đức.

Ta có thể tìm thấy nguồn gốc của tình trạng trên từ 3 phía: Vị trí địa lý, lịch sử hình thành dân tộc và sự lựa chọn của dân tộc.

Về lịch sử hình thành dân tộc, dù là trên cơ sở của thuyết “bản địa” hay thuyết “thiên di”, thì phải ghi nhận là dân tộc Việt luôn luôn bị đặt trong trạng thái mà sự tồn vong bị đe dọa một cách liên tục và thường trực. Trong tình trạng đó, thì sự thực dụng để có kết quả cuối cùng luôn được đề cao.

Nguyên nhân thứ 2, do cư trú trên một khu vực đồng bằng không quá rộng lớn, lại bị chia cắt nên thói quen sản xuất tiểu nông cũng chi phối đến tính cách và cách suy nghĩ. Với tiền đề là tư duy tiểu nông, lại được rèn luyện ở ngã 3 đường, nơi có nhiều tuyến giao thương, thì tính bất tất cũng được hình thành và nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, nguyên nhân thứ 3, nguyên nhân nội tại vẫn là quan trọng nhất. Vì các điều kiện khách quan cũng chỉ mang tính chất tiền đề. Với cùng một tiền đề thì các dân tộc vẫn có những sự lựa chọn khác nhau. Trong đó, tầng lớp những con người hoạt động trí óc là quan trọng nhất, có vai trò quyết định. Nhưng thẳng thừng mà nói, trong lịch sử Việt Nam, tầng lớp đó, (dù vẫn có những con người xuất sắc), nhưng về tổng thể không những không vượt lên trên tư duy chung của xã hội mà ngược lại, chạy theo tư duy của xã hội; đây cũng chính là nguyên nhân khiến tư duy Việt luôn chỉ loanh quanh ở tư duy “thường nghiệm”.

Vận hành xã hội “xấu che, tốt khoe”

Vậy, với thói quen đạo đức như thế, trong điều kiện như thế, thì Xã hội người Việt được vận hành như thế nào? Trao đổi tại hội thảo, diễn giả Trần Đăng Dương cho rằng, dù trải qua thăng trầm lịch sử, thì dân tộc Việt cũng chỉ vận hành xã hội qua 3 nguyên tắc: Sự gắn kết có tính gia đình, tôn thờ đạo đức cá nhân đặc biệt là đạo đức của người đứng đầu, nguyên tắc che dấu, trì hoãn và điều hòa mâu thuẫn.

Sự gắn kết có tính gia đình là giải pháp để thỏa hiệp sự bất tất và thực dụng. Có lẽ không có một dân tộc nào mà sự gắn kết mang tính gia đình lại rõ ràng và chi phối đến thế. Nó thể hiện rõ ràng qua truyền thuyết khai sinh dân tộc (Huyền thoại trăm trứng và từ “đồng bào” thể hiện qua ngôn ngữ về cách phân chia ngôi thứ như trong gia đình, trong mọi quan hệ (chính trị, kinh tế, giáo dục) thì chỉ khi nào tạo ra gắn kết kiểu gia đình, mới thực sự hiệu quả và an tâm.

Nguyên tắc thứ hai, tôn thờ đạo đức cá nhân, đặc biệt là đạo đức của người đứng đầu, chính là sự bổ sung cho nguyên tắc đầu tiên. Hiểu một cách đơn giản, thì vì nguyên tắc thứ nhất khiến hệ thống mất đi khả năng kiểm tra chéo, nên đành phải khuyến khích các cá nhân, đặc biệt là những người có quyền lực tự kiểm soát lấy bản thân mình.

Nguyên tắc thức 3 được đề ra như một sự hoàn thiện, vì nguyên tắc thứ nhất không cho phép giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, nguyên tắc thứ hai tiềm ẩn những xung đột lợi ích nên nguyên tắc thứ 3 được cho là nhân tố duy trì sự ổn định và tồn vong của cả hệ thống.

Thực ra, không thể phủ nhận hoàn toàn cơ chế vận hành đã nêu trên. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng cần phải được phê phán, và yêu cầu về sự phê phán đang ngày càng trở nên cấp thiết vì thực tế đã chứng minh là chúng đang gặp vấn đề trong hoàn cảnh mới.

Tóm lại, để khai sáng, theo Kant, cần phải thay đổi tư duy đạo đức trong tầng sâu ý thức con người mà chính sự phê phán nghiêm khắc, đúng phương pháp, đi vào gốc rễ vấn đề thì mới đến được một giải pháp đúng đắn. Trong lịch sử dân tộc Việt, đã có một người đến gần với sự khai sáng của Kant với nhận thức tiền đề có tính quyết định là muốn thay đổi dân tộc thì phải thay đổi cả nền văn hóa. Những quan điểm chính trong tư tưởng của Phan Châu Trinh được dồn nén trong 2 tiểu luận cuối đời với những luận điểm chính mang tính đương đại sâu sắc, đó là: Hành động ôn hòa, phê phán vai trò của người trí thức trong xã hội, phê phán quyền lực gia trưởng. (Đạo đức và luân lý Đông Tây (1925), Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa (1925)

                                                                                             Theo:Phạm Trang .https://chungta.com/

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *