Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-2925 – 21-6-2019) : Bảo đảm tính chân thật của báo chí – Đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo

Chân thật là tính chất cơ bản của báo chí, nếu không muốn nói là cơ bản nhất. Vì thế cho đến nay, tính chất này vẫn tiếp tục được thảo luận một cách sâu rộng và cần phải được quán triệt sâu sắc trong mỗi người làm báo Việt Nam, nhất là làm báo trong thời kỳ biến động liên tục, đa chiều của truyền thông hiện đại như hiện nay.


Vậy thế nào là chân thật? Có phải chân thật là cái gì xảy ra trong cuộc sống đương đại đều được đưa lên báo? Tại sao có những sự kiện quan trọng xảy ra lại không được báo chí đưa ngay, thậm chí không đưa, như thế có phải là không chân thật, không khách quan? Có rất nhiều câu hỏi xung quanh tính chân thật của báo chí, nhiều khi không dễ trả lời. Nhưng nguyên tắc cơ bản của báo chí là phải bảo đảm tính chân thật, khách quan. Bởi báo chí là phương tiện để phản ánh sự thật, phản ánh cuộc sống và thông qua sự thật thúc đẩy xã hội phát triển.

Chân thật của báo chí là sự thật được nêu rõ bản chất, có tên người, địa chỉ, chi tiết, rõ ràng, cụ thể, người đọc, người nghe, người xem có thể tìm đến tận nơi để chiêm nghiệm, học hỏi, đúc kết, rút kinh nghiệm…Và chính điều này đã làm nên giá trị to lớn của báo chí mà không lĩnh vực nào có thể thay thế được. Tính chân thật của báo chí hoàn toàn khác với tính hiện thực của văn học – nghệ thuật. Với tính chân thật, không cho phép người làm báo xây dựng hình tượng, hư cấu, bịa đặt, tưởng tượng, suy diễn… dù chỉ là chi tiết, tình tiết nhỏ nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã từng căn dặn người làm báo: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, cho nên người làm báo phải luôn viết rõ sự thật: việc đó ai làm, ở đâu? Ngày, tháng, năm nào… Nếu chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chớ nói, chớ viết”(1).

Chính vì không nhận thức đầy đủ, rõ ràng về tính chân thật của báo chí nên thời gian qua đã có không ít nhà báo bị sai lệch trong hành nghề. Có nhà báo phải ra tòa vì cứ nghĩ do yêu cầu tuyên truyền có thể bịa ra một vài chi tiết cũng không sao, bèn cấu tạo bài viết của mình làm 2 phần. Phần trên có tên người, chức vụ, địa chỉ rõ ràng nhưng phần dưới bịa ra hành động của nhân vật. Thế là bài viết thuộc hai lĩnh vực: phần trên là báo chí, phần dưới là văn học, nhưng lại đăng trên báo đề là phóng sự. Thế là người viết bị bắt, bị khép vào tội vu cáo, bôi nhọ danh dự người được nêu tên trong đó. Cũng may, sau đó nhà báo này chỉ bị thu thẻ hành nghề, không bị truy cứu hình sự, vì động cơ viết không phải vì tiền hay thù oán gì, chỉ do sai sót về nghiệp vụ, nhận thức chưa đầy đủ về tính chân thật của báo chí.

Tính chân thật của báo chí còn được hiểu ở một khía cạnh quan trọng khác. Đó là không một ai, một tổ chức nào bỏ tiền, bỏ công sức lập ra tờ báo, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử…để bất kỳ ai muốn viết gì, muốn nói gì ở đó đều được cả. Vậy ở đây tính định hướng, tính giai cấp, tính chính trị của báo chí là đương nhiên. Người làm báo là người làm chính trị, không có báo chí phi chính trị, phi giai cấp. Vì thế, tính chân thật của báo chí trước tiên phải tuân thủ lợi ích của giai cấp, của đất nước, của dân tộc. Người làm báo phải luôn ý thức được rằng có những sự kiện, sự việc có thể nói ra, viết ra, nhưng cũng có sự kiện, sự việc, sự thật nhưng chưa thể viết, chưa thể nói ngay được do phải giữ bí mật về chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao…hoặc vì lợi ích của đất nước, dân tộc, giai cấp…

Chân thật còn phải tuân thủ mức độ và chừng mực. Nói và viết trên báo chí phải trung thực, không phải vì yêu, ghét của cá nhân. Cố nhà báo Hữu Thọ cũng đã từng viết: “Bác Hồ dạy chúng ta rất nhiều, nhưng tôi tâm đắc nhất hai điều, một là trung thực, hai là chừng mực. Trung thực là có thế nào nói thế ấy, không vì yêu ghét, lợi ích mà bẻ cong ngòi bút. Còn chừng mực là khen chê phải đúng đắn, có mức độ. Và ở bất kỳ thời điểm nào cũng phải trung thực và giữ chừng mực (2).

Như vậy, để bảo đảm được tính chân thật của báo chí, liên quan tới rất nhiều vấn đề mà xuyên suốt, bao trùm lên tất thảy là liên quan đến năng lực, trình độ chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Có người không nói dối nhưng do trình độ chưa vươn lên được nên có khi viết sai sự thật. Có những sự thật chưa đáng biểu dương, hoặc chưa đến mức phải phê phán đã biểu dương ca ngợi hoặc phê phán, đả kích…. Sự thật còn liên quan đến nhanh nhạy và kịp thời. Chức năng của báo chí là thông tin thời sự nên phải nhanh, nhưng phải chính xác, lột tả được bản chất của sự thật, điều đó đòi hỏi lao động gian lao của người làm báo. Cũng vì thế mà người làm báo là người phải suy nghĩ suốt ngày đêm, nhanh nhưng thiếu chính xác, thiếu điều tra, kiểm chứng thì rất nguy hiểm. Điều này đã được những người làm báo rút kinh nghiệm nghiêm túc qua những vụ đưa tin trước đây như “Vải Lục Ngạn”; “ Rau Thanh Trì”;…và gần đây là một số thông tin sai sự thật trên mạng in-tơ-net khiến báo chí cũng bị ảnh hưởng như “vụ bắt cóc trẻ em” ở tỉnh Hải Dương dẫn tới việc người dân đốt xe của một nhóm người đến mua đồ nội thất ở tỉnh này hay “vụ tung tin máy bay rơi ở sân bay Nội Bài” mà thực tế không có như vậy, đây chỉ là cuộc diễn tập khẩn cấp hàng không. Các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc, truy tìm người tung tin giả…

Làm báo trong cơ chế thị trường nhưng lại không nêu cao được đạo đức nghề nghiệp dẫn đến một số thông tin thổi phồng, bịa đặt, vi phạm pháp luật của một vài nhà báo trước đây cũng đã được nhiều người làm báo coi đó là bài học kinh nghiệm về thực hiện tính chân thật và giữ bí mật trong thông tin. Nhất là thông tin về những vụ án, những vụ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực… , càng phải điều tra, nghiên cứu, có chứng cứ, bằng chứng rõ ràng, chính xác.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong “một thế giới phẳng”, nhu cầu truyền thông của công chúng hiện tại cũng thay đổi cả hình thức lẫn nội dung. Thông tin giả cũng đang trở thành vấn nạn trên mạng in-tơ-net, khiến báo chí bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhu cầu của công chúng với báo chí hiện nay không chỉ là nhu cầu biết nhanh các thông tin mà quan trọng hơn là nhu cầu được tiếp nhận thông tin chính thống, có kiểm định, kiểm chứng, đúng sự thật. Tính chính thống và có kiểm chứng đúng sự thật của thông tin báo chí vẫn là môt giá trị mà mạng xã hội khó có thể cạnh tranh được.

Dày công trau dồi học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt và luôn thực hiện đạo đức nghề nghiệp là điều kiện tiên quyết để hầu hết những người làm báo hiện nay thực hiện được tính chân thật trong tác phẩm báo chí của mình, nâng cao uy tín của nhà báo và niềm tin nơi bạn đọc. Bên cạnh đó, họ cũng rút được nhiều bài học quý báu khi một số ít đồng nghiệp mắc phải sai sót về tính chân thật, để kịp thời chấn chỉnh, đấu tranh với thông tin giả nhất là thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch. Đi sâu vào thực tế cuộc sống, điều tra, nghiên cứu, tìm tòi phát hiện làm cho thông tin ngày càng phong phú, chân thật, chính xác, góp phần đem lại sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đó cũng là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

            Theo :Phạm Tài Nguyên .http://www.xaydungdang.org.vn/

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *