Khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của dân tộc Việt Nam. Trong đó có những chỉ dẫn của Người về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nhất là việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các yếu tố cơ bản của môi trường tự nhiên như đất đai, nguồn nước, khoáng sản, rừng… là một trong những nội dung quan trọng nhằm bảo vệ môi trường. Con người không thể sống thiếu nước, ánh sáng, không khí và đất đai. Khi những thứ này thiếu hụt sẽ đe dọa đến sự sống còn và phát triển của con người. Chính vì vậy, phải khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các yếu tố của môi trường tự nhiên là để góp phần bảo vệ môi trường sống của con người. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về khai thác và sử dụng tài nguyên ngay từ khi nhân dân ta bắt tay vào khôi phục và xây dựng đất nước. Cụ thể:

Một là, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên rừng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khai thác và sử dụng tài nguyên phải có kế hoạch, phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Khai thác gắn với bảo vệ chứ không phải đánh đổi và bất chấp bằng mọi giá. Trong Lời kêu gọi đồng bào, nhân dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1965, Ng­ười khuyên mọi người: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây, gây rừng ở bờ biển” (1). Người xem bảo vệ rừng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng như việc bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn của mình vậy; Ng­ười nhắc nhở cán bộ phải lo bảo vệ rừng, phải khéo vận động nhân dân trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên rừng. Người luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để kêu gọi mọi ngư­ời khai thác rừng phải luôn có kế hoạch bảo vệ và tu bổ rừng, làm cho rừng ngày càng phát triển rộng lớn hơn, môi trường sẽ trong lành hơn. Đối với Ngư­ời, rừng là “vàng” của quốc gia nên “đồng bào cần phải cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch đã định, đồng thời phải chú ý bảo vệ rừng… Tục ngữ nói: “Rừng vàng, biển bạc”. Chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta ” (2).

Hai là, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng để kinh tế phát triển lâu dài, Người luôn nhắc nhở nhân dân khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này. Trong buổi nói chuyện với các đại biểu công nhân và cán bộ Ngành Than, Người cũng đã đề cao giá trị của tài nguyên thiên nhiên: “Người ta thường gọi than là “vàng đen”. Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống nhân dân” (3). Nhưng Người luôn xác định cần tới mức nào, giá trị tới mức nào cũng phải khai thác có kế hoạch, làm theo kế hoạch. Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội cần rất nhiều than. Mục đích của đất nước là sản xuất thật nhiều than nhưng cần phải thống nhất, phải đúng mục đích, phải tổ chức và quản lý thật tốt, không để khai thác tự phát, vừa không kiểm soát được, vừa ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Ba là, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mọi người trong quá trình canh tác không được lãng phí: “Hiện còn có hợp tác xã bỏ sơn, cọ không thu, đất cày rồi không cấy, không săn sóc để trâu bò chết; mỗi lần “liên hoan”, có xã giết từ 30 đến 50 lợn, lãng phí bừa bãi của hợp tác xã và của xã viên” (4). Bên cạnh đó, Người luôn nhắc nhở việc trồng cây phải phù hợp với mùa vụ, thời tiết. Người mượn ca dao “Bao giờ đom đóm bay ra. Hoa gạo rụng xuống thì cà mới lên” để nhắc nhở người sản xuất. Trong khai thác thủy hải sản, Người căn dặn: “ Ngoài việc đánh cá phải chú ý đến nuôi cá” (5). Dù trồng trọt hay chăn nuôi, Người đều đề cao sự khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các yếu tố tự nhiên và bảo vệ môi trường.

Tài nguyên là tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng của đất nước, nên cần được đánh giá đầy đủ, quản lý một cách hiệu quả, bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp. Quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; chủ động hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia. Kiểm soát các hoạt động khai thác; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng gần bờ. Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.

Với tầm nhìn đi trước thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy vai trò to lớn của môi trường và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Trong tư tưởng của Người, đây là một nội dung lớn. Ngư­ời đã lên án, phê phán hành vi tàn phá tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến đời sống con người. Để bảo vệ môi trường thì phải tăng cường trồng cây gây rừng, phải tái tạo, bảo vệ rừng và các tài nguyên thiên nhiên khác để từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Ngày nay, trong điều kiện phát triển kinh tế thị tr­ường, dưới sự tác động các quy luật của nền kinh tế thị trường, nhiều cá nhân, tổ chức chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mà đã làm ảnh hư­ởng, xâm hại rất lớn đến môi trư­ờng sống. Trước tình trạng khai thác và sử dụng không hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, con ngư­ời đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nh­ư tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ngộ độc thực phẩm, bệnh tật, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta càng thấy ý nghĩa và giá trị to lớn của t­ư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường./.
                              Theo :Nguyễn văn Toán (xaydungdang.org.vn)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *