Tham nhũng “vặt” – thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng chống

Tham nhũng “vặt” là vấn nạn của đất nước, đã và đang “gặm nhấm”, làm suy đồi đạo đức xã hội, mục ruỗng thể chế chính trị. Nhận diện, chỉ rõ thực trạng, hệ lụy, nguyên nhân và đề ra giải pháp để từng bước triệt tiêu vấn nạn này là yêu cầu cấp thiết của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trước hết là của cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp.

I – Thực trạng, hệ lụy và nguyên nhân tham nhũng “vặt” ở nước ta

Hiện nay, tham nhũng đã trở thành nguy cơ hiện hữu dẫn đến sự suy đồi văn hóa, đạo đức của con người, xã hội; lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước. Tham nhũng thường có hai loại: tham nhũng “lớn” và tham nhũng “vặt”. Tuy nhiên, ranh giới giữa tham nhũng “lớn” và tham nhũng “vặt” rất mỏng manh, chia ra như vậy là để phân biệt một cách tương đối nhằm tìm ra phương thuốc đặc trị từng loại. Tham nhũng “vặt” là hành vi của những người: “a. Cán bộ công chức, viên chức; b. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c. Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d. Người được giao nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”1 lợi dụng chức trách, quyền hạn, nhiệm vụ để nhũng nhiễu, gây khó khăn nhằm vụ lợi từ tổ chức, doanh nghiệp và người dân, với giá trị vật chất không lớn, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi này diễn ra từ lâu, hằng ngày, ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, tổ chức và các vị trí khác nhau ở cấp cơ sở2, thậm chí gần như đã trở thành “thông lệ”, “thói quen”,  hình thức “bôi trơn”, “văn hóa” của không ít cán bộ, công chức, viên chức. Nó được ví như “bệnh ghẻ ruồi”, cứ dấm dứt, dai dẳng, dễ lây lan, làm cho từng cá nhân, cả xã hội bức xúc, bất an và “tình trạng tham nhũng “vặt” vẫn chưa được ngăn chặn, kiềm chế”3.

Những hành vi tham nhũng “vặt” diễn ra trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, ngân sách, thuế, ngân hàng, hải quan, xuất nhập khẩu, tư pháp, giáo dục, y tế, chính sách xã hội, quản lý hành chính, v.v. Tham nhũng “vặt” cứ như “nấm mốc mọc sau mưa”. Thật khó chịu! Và đặc biệt nguy hại là nó đã xuất hiện trong công tác trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, như: công tác cán bộ; công tác chính sách; công tác an sinh xã hội, v.v. Nó không chỉ xuất hiện ở cá nhân, mà còn mang tính đồng lõa của số đông, thậm chí có tổ chức. Thói tham nhũng “vặt” diễn ra có cả kín đáo và công khai, gây khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp bất cứ việc gì, ở lĩnh vực nào, hình thành nên cái cơ chế kỳ quặc “xin – cho”. Không khó để tìm ra những minh chứng về nó. Người dân thì phải đi “xin”, còn “công bộc” thì giữ quyền “cho”. Người dân, doanh nghiệp phải thường xuyên sấp ngửa đến các cơ quan công quyền để “xin” đủ thứ, từ xin cho con đi học, chuyển lớp, chuyển trường; xin cấp giấy chứng tử; xin cấp giấy phép kinh doanh; xin giấy khám sức khỏe để vào làm việc của các cơ quan nhà nước. Thậm chí đến những cán bộ, công chức, viên chức bình thường, hoặc cấp thấp cũng phải “chạy”, phải “xin” vào biên chế, xin đi học, xin thi tuyển nâng lương; xin chuyển địa bàn, đơn vị công tác, v.v. Ngay đến người có công với đất nước, vào sống ra chết với sự nghiệp cách mạng,… cũng phải đi xin chế độ của mình mà lẽ ra đương nhiên được hưởng theo chính sách của Nhà nước; hay các doanh nghiệp, nhà hảo tâm,… muốn được ủng hộ, chăm lo cho nhân dân khi gặp thiên tai, hỏa hoạn,… cũng phải xin. Việc gì cũng phải “xin”, trở thành một cái “lệ”, tệ nạn nguy hiểm trong xã hội! Người dân, doanh nghiệp nào muốn được “cho”, nhất thiết phải tìm mọi cách để lót tay cho những “công bộc”. Hình thức lót tay diễn ra muôn hình, vạn trạng, khi thì núp bóng việc gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi, khi thì lợi dụng tổ chức sinh nhật, việc hiếu, việc hỉ,… với những món quà “quê”, hay phong bao đủ loại “xanh, đỏ”, v.v. Và như thế cái “văn hóa phong bì” rất tệ hại ra đời.

Tham nhũng “vặt” nhưng hậu quả thì không hề “vặt” và rất khó lường. Đó là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; làm xói mòn giá trị đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; làm hư hỏng cán bộ, gây phiền toái cho nhân dân và những công chức, viên chức chân chính của nhà nước. Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng nó đã góp phần vào làm thất thoát tài sản, công sức của Nhà nước, quyền lợi, vật chất của nhân dân, từng bước “gặm nhấm” làm rối loạn các giá trị chuẩn mực xã hội, làm suy yếu cơ quan công quyền; đồng thời, là cơ sở để cho tham nhũng “lớn” phát triển, làm lũng loạn xã hội. Tham nhũng “vặt” làm mất niềm tin của các nhà đầu tư, làm vẩn đục môi trường kinh doanh, gây nên tiền lệ “xin – cho”, “lót tay” trong đấu thầu kinh doanh, v.v. Đặc biệt, nó là căn nguyên dẫn đến sự giảm sút lòng tin của con người với con người trong xã hội, của các thành viên trong tổ chức; là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng công kích, chống phá Đảng, chế độ và sâu xa hơn là làm xói mòn lòng tin của nhân dân với thể chế chính trị, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước trong lòng nhân dân và trên trường quốc tế. 

Sở dĩ có hiện tượng đó, là do xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, cùng nhau tác động, thúc đẩy làm cho tham nhũng “vặt” ra đời, phát triển. Về nguyên nhân khách quan, tham nhũng dù “lớn”, hay “vặt” cũng đều là hiện tượng xã hội, là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực, đạo đức công vụ. Nó tồn tại ở mọi chế độ xã hội có giai cấp, ở mọi hình thức nhà nước, với mức độ khác nhau. Điển hình là, khi trình độ quản lý nhà nước lạc hậu; mức sống của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cơ sở còn thấp; những giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội bị xáo trộn; người dân, doanh nghiệp có xu hướng tìm mọi cách để thực hiện bằng được mục đích trong cuộc sống và tối ưu hóa lợi nhuận trong kinh doanh. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách vận hành, quản lý xã hội, quản lý sản xuất, kinh doanh còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán; việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương còn bất cập; việc quản lý tài sản, vốn của nhà nước còn lỏng lẻo; dư luận xã hội còn thờ ơ, hoặc phản ứng chưa đủ mạnh, thậm chí có lúc “đồng lõa”,… cũng tạo mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tham nhũng “vặt” tồn tại, phát triển.

Về nguyên nhân chủ quan, là do: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chậm chuyển biến”4. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính còn chậm và lúng túng; nạn giấy tờ, thủ tục hành chính còn rất phiền hà, bất hợp lý. Các chế độ kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả. Chế độ tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất hợp lý, chậm được cải cách. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tham nhũng “vặt” chưa toàn diện, đồng bộ, thiếu những nội dụng đột phá, thậm chí còn bị coi nhẹ ở một số cơ quan, đơn vị. Việc phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chưa kịp thời và khi xử lý thì còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết; chưa có cơ chế khen thưởng những tập thể, cá nhân kiên quyết đấu tranh chống hiện tượng tham nhũng “vặt” và có nhiều thành tích trong loại bỏ tệ nạn xã hội này. Nhiệm vụ của cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa rõ ràng, còn chồng chéo, cơ chế phối hợp chưa cụ thể, nhất là chưa có những công cụ phát hiện, xử lý tham nhũng, tham nhũng “vặt” thật sự hữu hiệu. Việc huy động, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, tham nhũng “vặt” chưa được quan tâm đúng mức, còn hình thức, thiếu hiệu quả. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, v.v.

Vì thế, nhìn thẳng vào sự thật, nhận diện đúng thực trạng, hệ lụy và nguyên nhân của tham nhũng “vặt”, đề ra những nội dung, giải pháp đủ mạnh để đấu tranh, phòng, chống tham nhũng “vặt” hiệu quả là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết là của cấp ủy, người đứng đầu các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị.

II – Giải pháp phòng, chống tham nhũng “vặt”

Từ thực trạng, hệ lụy và nguyên nhân đã nêu ở phần I, để phòng, chống tham nhũng “vặt” có hiệu quả, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản, mang tính đột phá sau:

Một làđẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thống nhất về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng “vặt”; qua đó, làm cho những người có thể tham nhũng, hoặc thờ ơ, vô cảm, thậm chí tiếp tay cho hành vi sai trái này nhận thấy cần phải tự giác tu dưỡng đạo đức, thực hành tốt công vụ, kiên quyết không nhũng nhiễu, nói không với “phong bì”, “phong bao”. Trong đó, cần tập trung làm cho các đối tượng nắm vững Nghị quyết chuyên đề “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý, vụ việc, vụ án tham nhũng”; Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về những điều đảng viên không được làm”. Cùng với đó, cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp; Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng; Quy chế Dân chủ cơ sở, v.v. Việc quán triệt phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; gắn nhận thức với hành động, giáo dục với biện pháp hành chính thông qua các chế tài quy định đối với cán bộ, viên chức trên từng cương vị công tác. Để đạt hiệu quả, cần đổi mới, phương pháp, hình thức, phát huy vai trò của mọi tổ chức, lực lượng, phương tiện, thông tin, truyền thông, hệ thống thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục theo chủ đề, chuyên đề, v.v. Đối với từng cơ quan, đơn vị cần đặc biệt coi trọng và nâng cao chất lượng tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa và các phong trào hành động cách mạng; công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham nhũng, v.v. Đối với nhân dân, cần phát huy vai trò của các công cụ tuyên truyền trực quan, niêm yết những quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm ở những nơi dễ thấy, dễ đọc trong các cơ quan công quyền để mọi người dân tham gia giám sát; đồng thời, phân tích, làm rõ những thông tin một chiều, không chính xác, sai sự thật, hòng vu cáo, kích động, gây hoang mang, hậu quả xấu trong nhân dân, v.v.

Hai làkhông ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo của chi bộ là vấn đề then chốt, quyết định đến cùng chất lượng phòng, chống tham nhũng “vặt” ngay từ cơ sở. Vì vậy, các chi bộ ở các đơn vị cơ sở thường xuyên tiếp xúc, giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân và có đảng viên giữ cương vị dễ để xảy ra hiện tượng xách nhiễu, đòi hỏi “phong bao” phải coi việc phòng, chống tham nhũng “vặt” là một nội dung quan trọng của nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, quý, năm. Từ đó, xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đảng viên, công chức, viên chức (kể cả cấp ủy viên các cấp sinh hoạt tại chi bộ). Quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công cá nhân phụ trách, nêu cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình. Từng chi bộ, cần gắn kết có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Phong trào Thi đua yêu nước, nhất là Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở”, với những chuẩn mực, tiêu chí phù hợp với chức năng cơ quan, đơn vị và chức trách từng người để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu thực hiện. Trong đó, coi trọng xây dựng các tiêu chí rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự giác và nêu gương trước nhân dân trong thực hiện những quy định đảng viên không được làm, 11 nhóm công việc công chức, viên chức không được làm (theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng). Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, biết trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ, chủ động phòng tránh, phê phán, lên án, đấu tranh với tư tưởng, hành vi tham nhũng “vặt” kể cả với người thân và bạn bè; tự giác thực hành đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, “lợi ích nhóm”.

Đặc biệt, phải đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, đảm bảo cho họ luôn là trung tâm đoàn kết, gương mẫu tự học, tự rèn, không tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân; gắn “nói với làm”, “xây với chống”, lấy “xây là chính”, “chống là quan trọng”, “làm đến đâu hiệu quả đến đó”. Đồng thời, phát huy dân chủ trong kiểm tra, giám sát, thanh tra; có biện pháp phòng, chống tham nhũng “vặt” phù hợp; kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không dung túng, bao che, tiếp tay, a dua cho các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Người đứng đầu luôn sâu sát, gần gũi, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng; phân công nhiệm vụ cho cấp dưới phải bảo đảm dân chủ, công khai, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, ưu tiên sử dụng những người có năng lực, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm; lấy kết quả phòng, chống tham nhũng của cơ quan, đơn vị làm thước đo đánh giá phẩm chất, trách nhiệm, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng “vặt”, người dân kêu ca, phàn nàn về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; nếu để trong cơ quan mình phụ trách có những trường hợp vi phạm nặng, thành hệ thống cần xem xét việc cách chức, giáng chức để làm gương cho người khác và làm trong sạch nội bộ.

Ba làthực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát Đảng và thanh tra Nhà nước, xử lý, ngăn chặn hiệu quả tệ tham nhũng “vặt” từ gốc, từ sớm để có biện pháp gột rửa sai trái, “trị bệnh cứu người”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các cấp ủy phải thực hiện tốt quy trình kiểm tra, giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng “vặt”; phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra công vụ và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nghề nghiệp, cũng như mọi người dân; xây dựng cơ chế gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra. Quá trình tổ chức thực hiện phải toàn diện, đồng bộ, khoa học, phát huy tinh thần giám sát lẫn nhau. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng “vặt” phải xử lý, hoặc đề nghị trên xử lý nghiêm theo quy định. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm, lựa chọn, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra. Họ phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực, phương pháp công tác tốt, lối sống trong sạch, liêm chính, chí công vô tư khi thực hiện nhiệm vụ.

Bốn làphát huy dân chủ và vai trò của các tổ chức quần chúng, cơ quan báo chí, truyền thông. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, Quy chế người phát ngôn, Quy chế cung cấp thông tin cho báo chí, gắn với duy trì nền nếp hành chính, công vụ kỷ luật, kỷ cương; xây dựng nếp sống trong sáng, lành mạnh. Đặc biệt, cần thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phát động tư tưởng quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu có chỗ ẩn nấp”1. Thực tế cho thấy, đây là liều thuốc đặc trị tham nhũng “vặt”. Chỉ khi nào, người dân, cơ quan báo chí, các nhà báo chân chính có điều kiện thuận lợi, tích cực, chủ động giám sát cán bộ, công chức, viên chức thông qua thái độ, trách nhiệm, chất lượng trong tiếp xúc, giải quyết công vụ hằng ngày, thì lúc đó cuộc đấu tranh loại trừ tệ tham nhũng “vặt” mới đi vào thực chất. Các tổ chức quần chúng phải hướng đoàn viên, hội viên vào thực hiện tốt quy tắc, quy định trong tiếp xúc, ứng xử và giải quyết công việc theo quy định pháp luật, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt văn hóa công sở”. Tập trung xây dựng, cụ thể hóa và thực hiện tốt “Ba trụ cột”2 của Phong trào, đảm bảo mỗi cán bộ, công chức, viên chức luôn nêu cao tinh thần “phụng công thủ pháp”, thực sự cần kiệm, liêm chính, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng “vặt” dẫu còn khó khăn, gian khổ, nhưng vẫn phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội. Một số giải pháp trên là đề xuất của tác giả nhằm góp phần huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân loại trừ tệ nạn tham nhũng “vặt”, làm trong sạch bộ máy công quyền, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

                                          Theo:XUÂN TUẤN (http://tapchiqptd.vn )

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *